Chia sẻ về quyển sách yêu thích “Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi” - Phạm Ngọc Cẩm - TMĐT2019

  • 12/07/2021
  • 1329

[Góc lan tỏa văn hóa đọc – Thư viện UIT] - Những bài viết hay cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc UIT” năm 2021

Chia sẻ về quyển sách yêu thích “Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi”

 Phạm Ngọc Cẩm - TMĐT2019

Mỗi chúng ta đều nên có một cuốn sách để nhớ về khi còn sống trên cõi đời này. Nếu bạn không có, thì thật sự rất đáng tiếc cho bạn. Hẳn là rất nhiều người khi không biết nên đọc sách gì thì thường lựa những cuốn kinh điển hay bất hủ trên thế giới. Còn tôi thì luôn thích đọc truyện thiếu nhi, dù là năm 10 tuổi hay 20 tuổi thì vẫn như vậy. Cuốn sách mà tôi muốn giới thiệu và chia sẻ cùng các bạn là cuốn tiểu thuyết “Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi” của nhà văn Fredrik Backman (Hoàng Anh dịch, nhà xuất bản Trẻ phát hành). Ông cũng là tác giả cuốn “Người đàn ông mang tên Ove” với mạch cảm xúc lạ thường về những mối quan hệ nhân quả của con người trong thế giới hiện đại.

Trước khi bước vào nội dung cuốn sách, tôi muốn hỏi bạn một câu: “Hình ảnh người bà trong mắt mọi người như thế nào?”. Có phải là một người bà hiền lành, nhân hậu, luôn từ tốn và yêu thương bạn một cách thầm lặng không? Nhưng bà ngoại của Elsa lại không như vậy. Bà là một bác sĩ đã về hưu và nghiện thuốc lá nặng, thường xuyên trốn khỏi bệnh viện để làm ra hàng tá hành động khiến mẹ của Elsa và mọi người xung quanh phải đau đầu: đột nhập vào sở thú, ném phân vào cảnh sát, bắn sơn vào quần áo người khác và rất nhiều hành động không thể chấp nhận khác. Trong mắt đứa con mình, bà là một người mẹ vô trách nhiệm vì công việc bận rộn mà chẳng hề quan tâm con gái. Trong mắt mọi người xung quanh, bà là một kẻ lập dị, rắc rối và phiền phức. Nhưng trong mắt Elsa, bà là một siêu anh hùng, hệt như câu nói “Bởi vì ở tuổi lên bảy, mọi đứa trẻ đều cần có một siêu anh hùng”. Elsa bảy tuổi, lớn lên trong một gia đình tan vỡ, bố phải lo lắng cho dì Lisette và các con của dì, mẹ phải lo cho em Một nửa trong bụng mẹ. Vì thế, chỉ còn một mình bà có thể quan tâm và yêu thương trọn vẹn cho Elsa, hơn cả vai trò của một người bà bình thường, bà ngoại là siêu anh hùng, là người bạn tốt nhất mà Elsa có thể chia sẻ hết mọi thứ trên cõi đời này. Nhưng… nếu có một ngày bà phải ra đi, Elsa của chúng ta phải làm sao đây?...

“Xin lỗi cháu bà phải chết. Xin lỗi vì bà sẽ chết. Xin lỗi vì bà phải già đi.

Xin lỗi vì bỏ lại cháu và xin lỗi vì căn bệnh ung thư chết tiệt này. Xin lỗi vì đôi khi bà tỏ ra rác rưởi nhiều hơn là không rác rưởi”. Những lời trong bức thư cuối cùng đầy lỗi chính tả kia mà bà gửi cho đứa cháu yêu quý của mình tưởng chừng sẽ khiến chúng ta phải bật cười vì những lỗi ngớ ngẩn nhưng không biết tại sao lại khiến tôi rất chua xót và đau lòng. Có lẽ đến cuối cùng, ai cũng phải học cách chào tạm biệt những người mà chúng ta yêu thương nhất và tiếp tục tiến về phía trước mà không có họ!

Tưởng chừng như khi bà mất, câu chuyện sẽ khép lại, nhưng không, bà đã cố gắng thu xếp mọi thứ và giao cho Elsa những bức thư chứa đựng lời xin lỗi của bà và nhờ em đi gửi cho những người cần được nhận. Hóa ra phía sau những câu chuyện cổ tích tưởng chừng như vô nghĩa mà bà thường hay kể cho Elsa thực ra lại là những kí ức xưa cũ của bà ngoại… Sau mỗi hành trình đi tìm chủ nhân của lá thư, Elsa lại khiến chúng ta hiểu ra rằng, những người lớn ta luôn thấy họ vô tâm, lạnh lùng và không có tình yêu thương đó thật sự đều là những người đã trải qua rất nhiều tổn thương, ai cũng phải vờ tạo nên một lớp vỏ cứng cỏi để bảo vệ bản thân trước thế giới người trưởng thành tàn khốc này. Vì vậy, khi đọc xong tác phẩm này, bạn sẽ nhận ra “chẳng có ai là rác rưởi hoàn toàn, và cũng không ai là hoàn toàn không rác rưởi cả”. Hãy thử sống có trách nhiệm hơn khi đánh giá và nhìn nhận một người nào đó, để nhìn thấy những tổn thương mà họ đã từng trải qua, để chúng ta có thể đối xử dịu dàng với nhau hơn…

Có lẽ giới thiệu đến đây cũng đủ để mọi người hiểu sơ về nội dung câu chuyện rồi. Không giống như nhiều người vẫn nghĩ, sách thiếu nhi chỉ dành cho con nít. Bạn sai rồi, chúng sinh ra là để dành cho những người lớn đấy. Phải đọc để biết rằng sự tồn tại của mỗi đứa trẻ là điều tốt đẹp và tinh khôi nhất trên cõi đời này. Hãy bảo vệ chúng, đừng để chúng bị tổn thương bởi thế giới của người lớn… Người lớn có thể khóc, nhưng khi đó, hãy kịp thời quay mặt đi, đừng để những đứa trẻ nhìn thấy những giọt nước mắt đau thương đấy!

Tác giả Fredrik Backman đã đem đến không chỉ riêng tôi, mà tất cả chúng ta những bài học quý giá về gia đình và cuộc sống, thật nhẹ nhàng nhưng lại đầy tính nhân văn. Tình yêu thương và sự vị tha sẽ giúp chúng ta dễ dàng bỏ qua mọi lỗi lầm và tha thứ cho nhau. Sau tất cả, cuộc sống này lại vô cùng đơn giản đến vậy, không có gì là phức tạp. Ai cũng xứng đáng được có được sự yêu thương và hạnh phúc với những người thân yêu của mình.

Tác giả bài viết: Phạm Ngọc Cẩm, sinh viên lớp Thương mại điện tử khóa 2019, Trường Đại học Công nghệ Thông tin, ĐHQG-HCM.