Giới thiệu sách “Kỹ năng lắng nghe trong giao tiếp”

  • 10/05/2022
  • 515

Giới thiệu sách “Kỹ năng lắng nghe trong giao tiếp”

Lắng nghe chưa bao giờ là điều dễ trong chính bản thân của mỗi chúng ta. Việc lắng nghe quan trọng như việc nói vậy, vì có người biết lắng nghe thì mới có người để nói. Cả hai cùng tương tác với nhau trong một câu chuyện sẽ dẫn dắt đi đến được hồi kết để khiến cho cả người nghe và người nói đều hào hứng trong cuộc giao tiếp này. Và quyển sách “Kỹ năng lắng nghe trong giao tiếp” của tác giả: Hiraki Noriko – Nguyễn Thị Thu Thủy dịch, xuất bản: 2016 sẽ giúp chúng ta làm được điều đó.

Hiraki Noriko có trích câu nói: “Nếu bạn muốn hiểu tư duy của ai đó, hãy lắng nghe anh ta nói” của Johann Wolfgang von Goethe. Ví dụ như trong tình yêu, nếu bạn thật sự có tình cảm với một ai đó, điều đầu tiên bạn có thể tạo ấn tượng với học bằng cách lắng nghe. Lắng nghe theo cách chủ động, từ những điều bạn muốn nghe và cả những câu chuyện sâu bên trong con người của họ theo một cách chân thành vì đó là chìa khóa đã gắn kết hai bạn với nhau. Đừng thờ ơ với những câu chuyện nhỏ nhặt xung quanh mình như lời khuyên của mẹ hay là lời tâm sự của người cha dành cho đứa con bé bỏng của mình. Ta thường cáu gắt khi nghe họ nói, chính vì điều này mà thường xảy ra mâu thuẫn và dần có khoảng cách giữa các cá nhân với nhau. Thay vì cáu gắt nổi giận với họ, chúng ta nên học cách lắng nghe để hiểu những lời khuyên hay tâm sự ấy để chúng ta có thể hiểu mỗi người đều muốn chia sẻ câu chuyện của mình không chỉ là để chia sẻ mà còn là lời khuyên cho bản thân chúng ta. Vì thế, bạn hãy đặt tâm tư vào câu chuyện mà họ đang chia sẻ với bạn. Điều đó không chỉ giúp họ có thể chia sẻ câu chuyện mà họ muốn kể cho bạn nghe mà còn giúp bạn có khi sẽ tìm được sự đồng cảm của bản thân mình trong chính câu chuyện mà họ muốn kể.

Với 163 trang sách, tác giả Hiraki Noriko đã đưa rất nhiều nhân vật trong cuốn sách này từ thực tế và làm việc từ nhiều môi trường khác nhau trong đời thường như: bác sĩ, nhân viên dịch vụ, người nội trợ,…. Nhìn chung, họ là những con người phải lắng nghe người khác nhiều hơn là được người khác lắng nghe họ. Đó là nhu cầu cơ bản nhưng tại sao họ lại không được nhận lại điều đó? Vì thế, tác giả muốn nhấn mạnh rằng: ai cũng có nhu cầu được lắng nghe, thấu hiểu dù họ ở bất cứ môi trường sống, nơi làm việc hay là phân biệt giới tính, già trẻ hay giàu nghèo gì cả.

Trước khi đọc sách “Kỹ năng lắng nghe trong giao tiếp”, tôi nghĩa bản thân mình là người giao tiếp khá ổn và tự tin cho rằng mình rất biết cách lắng nghe mọi người. Tuy nhiên, sau khi đọc, tôi chợt nhận ra rằng, bản thân còn quá nhiều khuyết điểm trong việc giao tiếp, đặc biệt là lắng nghe người khác nói. Bản thân mình cần nhìn lại và phải học các mẹo nhỏ từ sách để lắng nghe mọi người trong giao tiếp để hoàn thiện bản thân mình hơn mà còn trao dồi tâm hồn của chính mình qua nhiều câu chuyện.

Hồng Hạnh