Thư viện - Trường Đại học Công nghệ Thông tin
Thư viện UIT

Thư viện UIT - May 15, 2025

TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH NHẬP MÔN LẬP TRÌNH

Tác giả: Nguyễn Bích Vân (Chủ biên), Mai Tiến Dũng, Huỳnh Thị Thanh Thương, Phạm Nguyễn Trường An, Nguyễn Thanh Sơn.

Tài liệu đáp ứng cho môn học: “Nhập môn lập trình”. Mã môn học: IT001

Giới thiệu:

   Chào mừng các bạn sinh viên đến với phiên bản đầu tiên của Tài liệu hướng dẫn thực hành NHẬP MÔN LẬP TRÌNH. Đây là tài liệu học tập được được biên soạn dựa theo đề cương của môn học Nhập môn lập trình đang được giảng dạy tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin – ĐHQG-HCM.

   Tài liệu được thiết kế với nhiều bài tập đa dạng về cả nội dung lẫn hình thức. Thông qua các bài tập, sinh viên không chỉ tiếp cận với các kỹ thuật lập trình cơ bản trên ngôn ngữ C/C++ mà còn hình thành tư duy logic, khả năng phân tích và giải quyết vấn đề. Các bài tập không chỉ đơn giản chỉ đưa ra yêu cầu hay giả thiết - kết luận mà ở mỗi bài tập còn được đặt vào ngữ cảnh có tính ứng dụng thực tế và yêu cầu người đọc phải phân tích để đưa ra lời giải phù hợp.

   Tài liệu được thiết kế gồm 12 chương với nội dung được phân bổ phù hợp từ những kiến thức đơn giản đến nâng cao. Trong đó, chương 1 sẽ giới thiệu cho độc giả một số kiến thức ban đầu khi mới làm quen với lập trình; từ chương 2 đến chương 11 sẽ đi vào các bài tập có áp dụng các kỹ thuật lập trình từ cơ bản đến nâng cao của lập trình C++; và chương 12 sẽ là các bài tập tổng hợp nhiều kỹ thuật lập trình C++. Nội dung cụ thể ở mỗi chương như sau:

  • Chương 1: Giới thiệu về IDE và hướng dẫn cách sử dụng Code::Blocks; lợi ích khi sử dụng thư viện trong lập trình.

  • Chương 2: Hướng dẫn cách khai báo và sử dụng biến, biểu thức có kết hợp các toán tử và các câu lệnh nhập xuất để áp dụng vào các bài tập đơn giản.

  • Chương 3 và 4: Hướng dẫn cách sử dụng cấu trúc điều khiển bao gồm cấu trúc rẽ nhánh (if, if…else, switch…case) và cấu trúc lặp (for, while và do-while) để giải quyết hiệu quả một số bài toán.

  • Chương 5 và 6: Giới thiệu về hàm, định nghĩa hàm, cách sử dụng hàm và kỹ thuật đệ quy vào các bài toán đặc thù.

  • Chương 7, 8 và 9: Làm quen với việc sử dụng mảng một chiều, mảng hai chiều và chuỗi vào giải quyết các bài toán theo yêu cầu.

  • Chương 10: Khai báo và sử dụng con trỏ để giải quyết hiệu quả một số bài toán chuyên biệt.

  • Chương 11: Định nghĩa và sử dụng cấu trúc struct để giải quyết các bài toán.

  • Chương 12: Luyện tập toàn diện các bài tập lập trình C++.

Nội dung từ Chương 2 đến Chương 11 sẽ được thiết kế với bố cục giống nhau gồm các phần:

Tóm tắt lý thuyết: sẽ trình bày ngắn gọn các kiến thức, kỹ thuật lập trình theo chủ đề của mỗi chương giúp sinh viên tổ chức kiến thức một cách logic. Từ đó sinh viên có thể nhanh chóng hiểu và vận dụng tốt để giải quyết các bài tập.

  • Bài tập đọc hiểu chương trình: gồm 10 bài ở mỗi chương. Mỗi bài tập trong phần này sẽ đưa ra các đoạn code ngắn yêu cầu sinh viên chạy tay ra kết quả và giải thích kết quả đạt được. Đây là dạng bài tập giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng đọc hiểu code.

  • Bài tập cơ bản: gồm 5 bài ở mỗi chương. Mỗi bài tập trong phần này sẽ gồm phần mô tả bài toán, input/output, gợi ý, hướng dẫn giải và code mẫu. Đây là những bài tập ở mức cơ bản giúp sinh viên làm quen với những dạng bài tập yêu cầu đọc và phân tích bài toán, từ đó đưa ra hướng giải quyết bằng việc thực thi các câu lệnh code.

  • Bài tập luyện tập: gồm 5 bài ở mỗi chương. Mỗi bài tập trong phần này sẽ gồm phần mô tả bài toán, input/output và gợi ý giải quyết vấn đề. Đây là những bài tập để sinh viên luyện tập nên sẽ không có lời giải mẫu nhưng có phần gợi ý. Sinh viên phải dựa vào những nội dung được cung cấp trong mỗi bài toán để đưa ra lời giải phù hợp.

  • Bài tập nâng cao: gồm 5 bài ở mỗi chương. Mỗi bài tập trong phần này sẽ gồm phần mô tả bài toán và input/output. Đây là những bài tập ở mức độ khó giúp sinh viên rèn luyện khả năng tư duy và giải quyết vấn đề một cách độc lập.

 Tài liệu này được tổ chức một cách có hệ thống và ở mỗi chương sẽ đưa ra các bài tập tương ứng từ cơ bản đến nâng cao. Vì vậy chúng tôi khuyến khích các bạn sinh viên theo dõi các nội dung một cách tuần tự để có thể nắm vững những kiến thức cơ bản trước khi bước vào những phần nâng cao hơn.

 Để tài liệu được hoàn thiện hơn, nhóm tác giả xin cảm ơn sự góp ý của cô Nguyễn Lưu Thùy Ngân và thầy Vũ Tuấn Hải. Xin cảm ơn thầy Nguyễn Thành Tùng đã cung cấp tư liệu quý giá cho nhóm biên soạn.

Dù đã hết sức cố gắng trong quá trình biên soạn nhưng tài liệu khó tránh khỏi sai sót, chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý của các độc giả để giáo trình được cập nhật ngày một tốt hơn.

Hy vọng giáo trình này có thể giúp các bạn sinh viên khám phá những điều mới mẻ và thú vị trong thế giới lập trình.

*Tài liệu đang xử lý nghiệp vụ và sẽ được lưu trữ, trưng bày trên các kệ tại kho sách mở của Thư viện

* Biểu ghi tài liệu: https://opac.vnulib.edu.vn/record=b1428562~S1*vie

#LibUIT #GiaotrinhUIT #TailieuhuongdanNhapmonlaptrinh #IT001

TLHDNMLT_2025.jpg